Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông vận tải

(BKTO) - Thời gian qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện giải ngân các dự án quan trọng; được đánh giá là một trong các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành GTVT vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn cần phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua.




Công tác giải ngân vốn đầu tư công ngành GTVT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.Tuân

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo kế hoạch, năm 2020, Bộ GTVT giải ngân hơn 39.700 tỷ đồng (hơn 35.900 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 3.700 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Đến nay, Bộ đã giao chi tiết hơn 34.400 tỷ đồng, đạt 95,7% (hơn 1.500 tỷ đồng vốn trong nước chưa giao là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới trình Thủ tướng Chính phủ, chưa có quyết định giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm cơ sở giao kế hoạch năm). Tính đến hết tháng 6/2020, Bộ GTVT giải ngân được hơn 13.300 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch năm.

Mặc dù Bộ GTVT nằm trong Top các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vốn được bố trí cho Bộ GTVT, nhưng công tác GPMB thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các địa phương, Bộ chỉ có thể hỗ trợ, phối hợp. Trong năm 2020, Bộ GTVT có khoảng 6.924 tỷ đồng chi phí GPMB, hỗ trợ, tái định cư, nhưng đến nay mới chỉ chi trả được khoảng 2.773 tỷ đồng và tiến độ chậm nhiều so với kế hoạch. Ngoài ra, một số dự án ODA còn gặp nhiều vướng mắc về cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, thủ tục gia hạn hiệp định, đối chiếu thu, chi... Nhiều dự án đang triển khai thực hiện thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao nên cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công…

Nói thêm về những khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác dự báo và lập kế hoạch còn nhiều vướng mắc, bởi Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó, thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài (thường kéo dài 2 - 3 năm), do đó, thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít.

Xác định rõ các công trình, dự án cần ưu tiên

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, Bộ GTVT thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn...; trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh kế hoạch giải ngân chi tiết hằng tháng từ nay tới cuối năm của từng dự án, từng chủ đầu tư để đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 mới có hiệu lực và thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ GTVT đã chủ động cắt, chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt. Cụ thể, Bộ đã thực hiện điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đợt đầu tiên cho 12 dự án, với tổng giá trị vốn điều hòa 679 tỷ đồng (điều chỉnh giảm kế hoạch các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2 để bổ sung cho dự án Phan Thiết - Dầu Giây, các dự án đường sắt cấp bách đang có nhu cầu).

Được biết, trong tháng 8/2020, Bộ GTVT tiến hành rà soát trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn kéo dài không có khả năng thực hiện hết trước thời điểm 31/8/2020 (theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ) của khoảng 13 dự án với giá trị 200 tỷ đồng cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến trong tháng 9 tới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ động điều chuyển nguồn vốn cho các dự án khác theo thẩm quyền đối với một số dự án hiện tồn tại nhiều vướng mắc do công tác GPMB kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm. Tháng 11/2020, Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh đợt cuối cùng giữa các dự án để đảm bảo đến hết tháng 01/2021 giải ngân 100% kế hoạch.

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng ngành GTVT còn đang đứng trước nhiều khó khăn cần phải nỗ lực để vượt qua. Phó Thủ tướng lưu ý, đối với nguồn vốn đầu tư công, cần xác định rõ các công trình, dự án cần ưu tiên đặc biệt với các tiêu chí cụ thể, từ đó chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo giải ngân hết vốn cũng như phát huy vai trò “đòn bẩy” của đầu tư công. “Trước mắt, Bộ GTVT phải tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Tuyệt đối không để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Bởi đầu tư là nhân tố của tăng trưởng, chúng ta đầu tư giai đoạn này sẽ tạo ra môi trường để tăng trưởng thứ cấp trong giai đoạn tới” - Phó Thủ tướng nói và đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ GTVT tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông vận tải