Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn kiểm toán: Cần phát huy vai trò người đứng đầu, chú trọng kiểm tra, giám sát

(BKTO) - Công tác tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động đoàn kiểm toán (ĐKT) là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của cuộc kiểm toán. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để cuộc kiểm toán đạt kết quả tốt, trưởng ĐKT phải luôn nêu cao trách nhiệm, đóng vai trò dẫn dắt, định hướng. Cùng với đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát... cũng góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động kiểm toán.




Cần phát huy vai trò người đứng đầu, chú trọng kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn kiểm toán. Ảnh tư liệu

Nêu cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu

Yêu cầu của xã hội đối với việc công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công ngày càng cao, đòi hỏi các ĐKT phải quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là phải nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, điều hành ngay từ khâu thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán… Quản lý, điều hành không chỉ tạo ra sự thống nhất trong ý chí và hành động mà còn phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân vào quá trình thực hiện kiểm toán, nâng cao tính kỷ luật đối với đoàn, tổ, thành viên ĐKT và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán. Mặt khác, quản lý, điều hành là một khoa học nhưng đồng thời cũng là nghệ thuật. Do vậy, năng lực điều hành của trưởng ĐKT ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cho các bộ phận hoạt động thống nhất, đồng bộ.

Trưởng ĐKT cần giám sát chặt chẽ quá trình kiểm toán và định hướng các vấn đề cần tập trung; chỉ đạo các tổ kiểm toán xử lý kịp thời, chính xác các vấn đề phát sinh; đảm bảo nhất quán trong đánh giá, nhận xét, kiến nghị cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ trong ĐKT.
Bản thân các trưởng đoàn cũng phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật văn bản để nắm chắc chính sách, nhất là các chính sách mới và có chỉ đạo, định hướng các trọng tâm kiểm toán để ĐKT thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao. Trong đó, cần quan tâm đến các chuẩn mực KTNN, hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, nhất là khâu lập kế hoạch kiểm toán đảm bảo mục tiêu, xác định đúng trọng yếu của cuộc kiểm toán.

Đối với các đơn vị được kiểm toán, trưởng đoàn vừa là cầu nối tạo nên sự phối hợp chặt chẽ vừa phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin trong quá trình kiểm toán. Kết thúc cuộc kiểm toán, trưởng ĐKT phải tổ chức lập dự thảo báo cáo kiểm toán theo đúng quy định về thời gian, nội dung, đảm bảo tính logic từ đánh giá kết quả kiểm toán đến các kiến nghị xác đáng, xứng tầm và tính khả thi cao.

Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nhưng trưởng đoàn và tổ trưởng tổ kiểm toán vẫn phải tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng về đối thoại pháp luật để có đủ kiến thức, năng lực cũng như sự tự tin khi đứng trước đơn vị được kiểm toán và đối thoại trong các sự vụ khiếu nại, khiếu kiện.

Tăng cường kiểm tra,giám sát và quản lý

Tại mỗi cuộc kiểm toán, công tác giám sát hoạt động kiểm toán, đảm bảo minh bạch trong thanh tra và kiểm soát chất lượng kiểm toán từ cấp tổ, ĐKT, thủ trưởng đơn vị đến lãnh đạo KTNN luôn phải được quan tâm, nhất là tại các đoàn, các đơn vị có độ nhạy cảm cao. Bên cạnh đó, vai trò của tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán tại các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cũng cần được nâng cao. Nội dung giám sát, kiểm soát hoạt động ĐKT tập trung vào việc chấp hành chuẩn mực KTNN, Luật KTNN, Quy tắc ứng xử kiểm toán viên (KTV) nhà nước, Quy chế tổ chức hoạt động ĐKT của KTNN; qua đó, kịp thời phát hiện để chấn chỉnh sai phạm, sai sót, điều chỉnh hành vi KTV, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán khi trình duyệt và phát hành.

Kết thúc mỗi cuộc kiểm toán, các ĐKT cần quyết liệt trong việc tổng kết, đánh giá, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các KTV hoàn thành tốt nhiệm vụ thông qua công tác thi đua hằng năm. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc kỷ luật đối với những KTV vi phạm hoặc có chất lượng kiểm toán thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực, đạo đức công vụ trong hoạt động kiểm toán là yếu tố quyết định đến chất lượng các cuộc kiểm toán. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo, cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm theo hướng “cầm tay chỉ việc”, thủ trưởng các đơn vị và trưởng ĐKT cần lưu ý nâng cao bản lĩnh chính trị và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cho KTV thông qua công tác giáo dục, rèn luyện bằng biện pháp giao việc và kiểm tra; nêu gương tốt trong các hoạt động kiểm toán và động viên để KTV tham gia tích cực, tự giác rèn luyện, trau dồi bản lĩnh “liêm chính, độc lập và khách quan” trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý, điều hành hoạt động của ĐKT. Để làm được điều này, KTNN cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu điện tử về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị thuộc lĩnh vực kiểm toán được giao; hoàn thiện môi trường làm việc điện tử theo hướng tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN gắn kết với Hệ thống giám sát tài chính, tài sản quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để công khai minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

Ngoài ra, việc phối hợp hiệu quả trong nội bộ ĐKT, phối hợp giữa các KTV, các tổ, ĐKT; phối hợp giữa ĐKT với các cấp lãnh đạo và đơn vị được kiểm toán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hoạt động của ĐKT.

THÁI THỊ LAN
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib
Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn kiểm toán: Cần phát huy vai trò người đứng đầu, chú trọng kiểm tra, giám sát