Kiến nghị kiểm toán cần cụ thể hơn nữa để tăng tính hiệu lực, hiệu quả

(BKTO) - Cách đây 25 năm- ngày 11/7/1994, Kiểm toán Nhà nước chính thức được thành lập. Trải qua 1/4 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, KTNN đã lớn mạnh về mọi mặt, đã trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại. Nhân dịp này Báo điện tử Kiểm toán xin giới thiệu ý kiến của Đại biểu Quốc hội MAI SỸ DIẾN - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về những đóng góp của KTNN trong hoạt động của Quốc hội.



Trong hồ sơ báo cáo của các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tại kỳ họp Quốc hội, báo cáo của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách T.Ư, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN…được các đại biểu Quốc hội rất chú trọng, là cơ sở để đại biểu tiếp tục thảo luận, kiến nghị làm rõ hơn các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 cho thấy, KTNN đã thực hiện kiểm toán 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 49 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 9 chủ đề kiểm toán hoạt động, 22 chuyên đề, 56 dự án đầu tư, 36 DNNN và tổ chức tài chính ngân hàng; kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của KTNN trong việc không ngừng mở rộng phạm vi kiểm toán. Đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán gần hết các Bộ, ngành, tỉnh, thành và đã phát huy rất lớn vai trò, tác dụng của mình trong quản lý tài chính công, tài sản công của đất nước, góp phần tăng thu từ các nguồn thu chưa đủ, thu còn thiếu và kiến nghị truy thu nguồn thu bị thất thoát hay xuất toán các khoản chi không đúng, truy thu vào NSNN.

Trong 25 năm hoạt động, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi cho NSNN hàng trăm nghìn tỷ đồng, góp phần tái cơ cấu tài chính công; giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, sai phạm và kiến nghị, tư vấn cho Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư đến địa phương để tăng cường quản lý kinh tế đất nước hiệu quả. Hàng trăm kiến nghị của KTNN để hoàn thiện cơ chế kinh tế, hệ thống văn bản pháp lý, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm, giúp Chính phủ quản lý tài chính công, tài sản công và các nguồn lực của đất nước hiệu lực, hiệu quả.

Để phát huy vai trò của KTNN trong quản trị tài chính quốc gia, tôi cho rằng, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN. Muốn vậy, kiến nghị của KTNN cần cụ thể hơn nữa để chỉ rõ sự ảnh hưởng của những hạn chế, sai phạm được phát hiện, để từ đó xác định rõ trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, các tập thể, cá nhân, để có cách thức xử lý phù hợp, đảm bảo kịp thời và hiệu lực.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo gửi đến Quốc hội, KTNN cần bổ sung nội dung về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong đó, cần nêu rõ đơn vị, tổ chức nào đã thực hiện, chưa thực hiện, không thực hiện, lý do tại sao? Trách nhiệm ở khâu nào và ai, tổ chức, đơn vị nào chịu trách nhiệm? Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp cụ thể của KTNN cho những vấn đề còn tồn tại? Kết quả báo cáo cần công khai và có hình thức công khai để thực sự có tác dụng trong thực tiễn.

Đ. KHOA (ghi)
Cùng chuyên mục
Kiến nghị kiểm toán cần cụ thể hơn nữa để tăng tính hiệu lực, hiệu quả