Giải quyết bài toán biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng

(BKTO) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng của các quốc gia.



Biến đổi khí hậu và thách thức với ngành năng lượng

Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang được đáp ứng phần lớn từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu mỏ, khí đốt. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hóa thạch có hạn và việc sử dụng nhiều năng lượng này lại gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính - tác nhân trực tiếp dẫn tới BĐKH.

Theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn. Một số nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam dự báo, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích của TP. HCM cũng sẽ có nguy cơ bị ngập. Khi đó sẽ có 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP.

Cũng theo dự báo, ngành năng lượng Việt Nam tính toán sẽ phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn tới. Đây được xem là bài toán khó khi mà nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện, nhiệt điện đã khai thác chạm ngưỡng. Chưa kể đến việc BĐKH đang làm xáo trộn nghiêm trọng những nguồn năng lượng này. Các chuyên gia cũng cảnh báo: Việt Nam sẽ phải đối mặt với mâu thuẫn gay gắt giữa phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường. Bởi công nghiệp năng lượng đang phát thải khí nhà kính lớn nhất với trên 381 triệu tấn CO2, không phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường của Việt Nam.

Đánh giá về vấn đề này, ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình quốc tế - cũng khẳng định, thách thức BĐKH là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. BĐKH luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo. Đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững

Theo các chuyên gia, việc ứng phó với BĐKH và đảm bảo an ninh năng lượng là bài toán có sự liên kết chặt chẽ. BĐKH tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, ở chiều ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính.

Đưa giải pháp cho những thách thức này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng: Việt Nam đang đề xuất đến năm 2030 sẽ cắt giảm được 8% khí nhà kính. Để làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng và những cam kết để thực hiện. Theo đó, cần phải có giải pháp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương. Ngoài vấn đề tiết kiệm năng lượng, còn phải đưa ra những phương hướng phát triển kinh tế giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch và tăng cường sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm khí nhà kính.

Đồng quan điểm, ông John Kerry cũng khẳng định: Việt Nam cần phải hướng đến những nguồn năng lượng “sạch”. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ phân tích: châu Á - Thái Bình Dương đang tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới. Kể cả áp dụng công nghệ mới thì nhiệt điện than vẫn là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất. Bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì họ không tính giá thành hoặc chi phí ngoại biên hoặc các nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như bệnh ung thư, bệnh phổi. Nếu tính các lợi thế này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Việt Nam có nhiều cơ hội và lợi thế, chúng ta không cần đầu tư vào than nữa.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đưa ra giải pháp cần phải đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu cho các dự án điện trong thời gian tới. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Giải quyết bài toán biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng